
di ảnh Đức Đệ Tứ Tăng Thống Huyền Quang
Bài kệ Thiền Sư Nhất Hạnh và tứ chúng Đạo Tràng Mai Thôn
gửi về tu viện Nguyên Thiều để cúng dường giác linh đại lão Hòa Thượng Tăng
Thống Thích Huyền Quang.

Nguyên Thiều đường thượng
Huyền Quang đại lão Hòa Thượng giác linh thu chấp
Mai Thôn tứ chúng cập Nhất Hạnh thiền sư
Cung kính nhất tâm hộ niệm!
Tiểu Sử Đức Đệ Tứ
Tăng Thống Thích Huyền Quang
Ngồi Trên Nước
Thích Thiện Hiền
|

NGỒI TRÊN NƯỚC
Trong dân gian Việt Nam thường ví von, những sự kiện nóng bỏng hay sự cần
kíp như sắp chết đến nơi; gọi là giống như ngồi trên lửa, nhưng ít ai nhắc
đến ngồi trên nước cũng nguy hiểm không khác, người đã từng đi vượt biển sẽ
cảm nhận được sự nguy hiểm thế nào.
Nhân đây xin kể về một câu chuyện thật cảm động thương tâm với một đại lão
Hòa thượng ngồi trên nước chờ chết. Nhân chuyến ra Quảng Ngãi cứu trợ, huynh
đệ chúng tôi được nghe Hòa Thượng Thích Giải An kể về Hòa Thượng Thích Huyền
Quang bị giam giữ trong ngôi chùa Quang Phước huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng
Ngãi.
Hòa Thượng Thích Giải An kể: " Vào năm 1999 một thiên tai bão lụt lớn tại
Miền Trung từ Huế- Quảng Nam- Quảng Ngãi- Bình Định liên tiếp hai năm liền.
Đồng bào rất khổ sở lầm than. Khi bão lụt đến những vùng có nguy cơ ngập lụt
nguy hiểm đến tính mạng thì nhà nước thông báo để dân di dời ra những nơi an
toàn. Vào hôm đó, mưa liên tiếp từ sáng đến chiều tối, tự nhiên nước lũ trên
núi đổ xuống mạnh, càng về khuya nước càng dâng cao, ngập dần lên mãi cho
đến nóc nhà. Nhiều gia đình không di dời kịp bị nước cuốn trôi đi và chết
rất nhiều. Nhất là ở Huế và Quảng Nam nước ngập đến ngọn tre, có người chết
trôi dạt dính trên ngọn, còn ai sống sót trèo lên mái nhà ngồi chờ chết;
ngay trong đêm đó tại ngôi chùa bỏ hoang đã giam giữ một vị đại Hòa Thượng
khoảng 80 tuổi. Ngôi chùa ấy, là nơi giam giữ chỉ có một mình Ngài giữa đồng
ruộng hẻo lánh không có nhà dân, phía trước bên kia đường có một chốt cơ
quan an ninh để canh gát Ngài và kiểm soát những ai ra vào, nhưng đến khi
nước lũ dâng cao thì những vị an ninh đó bỏ cơ quan chạy trước. Riêng tại
thị xã Quảng Ngãi nước đang từ từ ngập tràn các cơ quan truyền hình thông
báo dân chúng các huyện miền núi gặp nhiều nguy hiểm. Hòa Thượng Thích Giải
An thấy tình hình như vậy nhớ đến và lo sợ cho Hòa Thượng Thích Huyền Quang
đang một mình giữa đêm khuya thế nầy. Vì vậy, lúc nữa đêm Hòa Thượng liền
gọi điện thoại đến cơ quan công an tỉnh Quảng Ngãi và nói: "Các anh có biết
rằng đang giam giữ một ông thầy già trên chùa Quang Phước, Nghĩa Hành
không?. Bây giờ nước cao như vậy, các anh vào đó xem ông thầy già đó còn
sống hay đã chết rồi. " Khoảng 2 giờ sau, an ninh phối hợp với lực lượng cứu
hộ dùng ca-nô chạy vào chùa nước đã ngập gần đến nóc, các cửa chùa đều do
nước đẩy mạnh nên mở toang, họ dùng đèn pin soi khắp kêu gọi ông thầy chùa
đâu rồi. Một lúc sau, họ nhìn thấy một ông thầy già ngồi co ro trên chiếc
ghế đầu gần đụng nóc chùa, trên chiếc ghế là một cái bàn nhỏ được kê lên
trên bộ ván; người Ngài ướt lạnh giọng nói yếu ớt: " Tôi ở đây." Thế là họ
bồng Ngài khỏi vùng lũ lụt đem giam giữ một nơi khác. Đến vài ngày sau nước
rút hết họ đưa Ngài trở về lại ngôi chùa cũ tiếp tục giam giữ.
Đường sá bắt đầu lưu thông trở lại, những phái đoàn của GHPGVNTN đến Quảng
Ngãi cứu trợ tại Huyện Nghĩa Hành ghé thăm viếng và đảnh lễ vấn an sức khỏe
Ngài. Ngài đứng ra phân phát phẩm vật cứu trợ cho nhân dân tại sân chùa nầy.
Các phái đoàn cứu trợ đến ghé thăm và cúng dường tiền, thuốc và những phẩm
vật để cho Ngài dùng. Các phái đoàn còn dư phẩm vật cứu trợ đem đến để trong
chùa cho Ngài tùy nghi sử dụng, nhưng có bao nhiêu Ngài đem phát cho dân
chúng tại đó hết; vì mỗi ngày Ngài chỉ ăn gạo lức với muối mè, do đệ tử của
Hòa Thượng Thích Giải An nấu và đem đến cho Ngài dùng. Sau những việc làm từ
thiện của Ngài nên nhà nước cũng động lòng nới tay, giam lỏng và dễ dàng cho
nhiều người thăm viếng. Chúng tôi cũng có nhân duyên được gặp Ngài vào năm
1994, vài huynh đệ đi cứu trợ tại Quảng Nam về ghé vào Quảng Ngãi dừng chân,
đến chùa Từ Quang xin Hòa Thượng Giải An ngủ lại một đêm. Sáng hôm sau xin
Hòa Thượng cho người dẫn đường lên thăm Hòa Thượng Huyền Quang. Chúng tôi
thuê 3 chiếc xe ôm chạy từ Quảng Ngãi lên khoảng 10km. Đến chùa Quang Phước
lúc 7 giờ sáng được hầu chuyện với Ngài từ đó đến quá trưa chúng tôi xin
phép Ngài trở về, nhưng Hòa Thượng vẫn muốn nói thêm, lưu luyến khi chia
tay, chúng tôi xin chụp hình chung với Ngài. Ngài đứng trước cửa ngục thất
tiễn biệt, lúc ra về chúng tôi đưa máy ảnh lên vô tình chụp một tấm, khi
nhìn nét mặt Ngài buồn. Trong những tấm hình Ngài đứng một mình bên cửa phía
sau là một bóng tối, được phóng lớn tấm hình đó và ghi 2 câu phía dưới ảnh:
"Nơi khung cửa hẹp, Người nhìn về phương trời rộng
Đây ngục thất tối, Người giam giữ vẫn chưa về".
Lần sau, chúng tôi ra thăm Ngài và tặng tấm ảnh đó, Ngài rất vui mà nói:
"Đúng như vậy con à, biết khi nào thầy được thả".
Về sau sức khỏe Ngài càng ngày càng yếu nên các đệ tử môn phái ra cung thỉnh
Ngài về lại mái chùa xưa là tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định, nhưng Ngài
từ chối đòi nhà cầm quyền đưa Ngài ra tòa xét xử, nhưng họ không dám đưa
Ngài ra trước công chúng. Cuối cùng các đệ tử năn nỉ Ngài nhiều lần, vì
thương đệ tử nên Ngài bằng lòng về tu viện Nguyên Thiều.
Nhân Giáo Hội tổ chức Lễ Thọ Tang và Truy Tán công đức Ngài tại tu viện
Quảng Đức Melbourne ngày 8/7/2008 con xin mạo muội ghi lại kỷ niệm mà con
được gặp Ngài, để tỏ lòng kính ngưỡng bằng những cảm xúc chân tình không
ngôn ngữ nào tả hết. Cuộc đời hành đạo của Ngài từ miền Trung đến miền Nam
đã hy sinh cả một đời "ở không nhà, tù không tội, đi không đường, chết không
mồ". Nơi nào Ngài đặt dấu chân đến dù là chốn lào tù hay nơi lưu đày lao
biệt xứ thì nơi ấy là Thánh địa, làm lợi ích cho Đạo pháp, dân tộc và đồng
bào nơi ấy được lợi lạc bởi ân đức Ngài.
Nhất tâm đảnh lễ Từ Lâm Tế Chánh Tông Nguyên Thiều Đường Thượng Húy thượng
Như hạ An tự Giải Hòa hiệu Huyền Quang Tăng Thống Giác Linh Hòa Thượng tân
viên tịch tại tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định hưởng thọ 89 tuổi Hạ lạp
69 năm. Đệ tử chúng con khấp đầu đảnh lễ.
Tỳ Kheo Thích Thiện Hiền
Mùa An Cư tại chùa Linh Sơn, Melbourne
10.7.2008
|
|